NÔNG DÂN XÃ THƯỢNG LÂM HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ TỪ NGUỒN VỐN VAY NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Xã Thượng Lâm thuộc phía Bắc của huyện Mỹ Đức có diện tích đất tự nhiên là 654,18 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 351 ha; với dân số 7.122 người, có 3.855 lao động, trong đó lao động nông nghiệp là 2.313 lao động chiếm 60%. Trong những năm qua, xác định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào trọng tâm của Hội. Vì vậy Hội nông dân xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương.
Một trong những hoạt động có hiệu quả nhất là hoạt động ủy thác cho vay giữa phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Đức với Hội Nông dân xã Thượng Lâm đã giúp nhiều hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn được tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn. Với nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian cho vay vốn phù hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Đức, nhiều hội viên nông dân xã Thượng Lâm đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, đã có hàng trăm hội viên nông dân xã Thượng Lâm được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng này, góp phần tạo công ăn việc làm, vươn lên thoát nghèo từng bước ổn định cuộc sống hộ gia đình thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày cảng phát triển.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân xã Thượng Lâm đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn phải sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế…
Trong năm qua, việc ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, Hội Nông dân xã nói riêng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương các cấp và được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, giúp hội viên được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội một cách dễ dàng, thuận tiện và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội của xã nhà. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng dư nợ do Hội Nông dân xã nhận ủy thác là hơn 9,7 tỷ đồng, có 05 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 194 hộ vay vốn. Song song với công tác vay vốn, Hội còn tích cực vận động các hộ vay vốn thực hiện tiết kiệm hàng tháng với mức 70.000đ/hộ/tháng theo quy ước hoạt động của tổ TK&VV đạt tỷ lệ 100 % số hộ vay vốn tham gia. Hội còn chỉ đạo 5/5 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thực hiện tốt công tác quản lý vốn vay; thực hiện tốt công tác bình xét đối tượng vay một cách công khai, dân chủ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình; duy trì chế độ sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn tại các chi hội 3 tháng/lần, đôn đốc thu lãi, tiền gửi hàng tháng có hồ sơ sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ. Kết quả phân loại tổ TK&VV hàng năm số tổ xếp loại tốt 5/5 tổ, chiếm tỷ lệ 100%. Hội cũng tăng cường kiểm tra sử dụng vốn vay, thu lãi theo đúng lịch của Ngân hàng, đôn đốc hộ vay trả nợ đúng hạn theo đúng quy định, tăng cường phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 5/5 Ban quản lý Tổ TK&VV giúp cho các tổ quản lý tốt nguồn vốn vay và hướng dẫn các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, nhiều hộ hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ câu cây trồng, diện tích chuyển đổi sau thời gian dồn điền đổi thửa theo QĐ 16 của UBND Hà Nội, UBND xã đã đề nghị UBND huyện chuyển đổi cây trồng là 22 ha chủ yếu là cây bưởi Diễn đã mang lại hiệu quả giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định và giá trị cao.
Vườn Bưởi Diễn của gia đình ông Nguyễn Văn Tuệ – Hội viên nông dân thôn Trì.
Bên cạnh mô hình trồng Bưởi Diễn, nhiều hộ hội viên nông dân đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư cải tạo vườn trồng cây ăn quả như Nhãn, Mít,…, cải tạo ao thả cá, chăn nuôi, mua máy sát gạo, mở cửa hàng tạp hóa, mở xưởng thêu, xưởng may thời trang, mua xe máy đi chợ buôn bán,.... Tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động có mức thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/ người/ tháng.
Xưởng thêu tay truyền thống của chị Nguyễn Thị Oanh – Hội viên nông dân thôn Phượng đã tạo việc làm tăng thu nhập cho 40 – 50 lao động.
Hội nông dân Huyện Mỹ Đức thăm xưởng may của chị Nguyễn Thị Lan – Hội viên nông dân thôn Trì.
Đạt được những kết quả đó là do có sự nỗ lực, chủ động phối hợp thực hiện giữa Hội Nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Đức. Thông qua cơ chế phối hợp này, các ngành đã cùng nhau thực hiện tốt phương thức cho vay mà ở đó hội tụ được sức mạnh của cả một hệ thống chính trị với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân cùng vì mục tiêu giảm nghèo, tiến bộ và công bằng xã hội. Thông qua các hoạt động tín dụng đã góp phần nâng vai trò, uy tín của tổ chức hội, việc tập hợp, thu hút hộ nông dân tham gia vào tổ chức hội ngày càng phát triển. Thông qua các mô hình, dự án góp phần thúc đẩy các phong trào của hội phát triển ngày càng sâu rộng, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác với NHCSXH, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hội viên nông dân, đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân của địa phương. Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác NHCSXH, Hội Nông dân xã Thượng Lâm đã cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân. Nông dân đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ cách làm nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Đời sống của nông dân ngày càng phát triển. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương./.