Đình Thượng Lâm - Di tích Lịch sử , Văn hoá
Đình làng Thượng (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ), xưa thuộc Thượng Lâm Trang, tổng Phú Lâm Trang, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, thờ các vị thần “Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Uy Đức Đại Vương, Vĩnh Hoa Công chúa và Quá Hải Đại Vương”- Đó là những vị phúc thần anh hùng hào kiệt trong buổi đầu Hùng Vương dựng nước của dân tộc, được các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn phong làm Thượng Đẳng Thần.
Trụ sở UBND xã Thượng Lâm.
Từ vùng đất hoang vu, sỏi đá, rừng rậm, núi cao (Thượng Lâm, có nghĩa là “trong rừng sâu”), sống trên vùng ven núi Hoành Sơn, bao lớp người ở đây đã trụ vững lập nghiệp hình thành Thượng Lâm Trang, “có cứng mới đứng đầu gió”, “nơi địa đầu yếu xứ phía tây bắc” của Thủ đô ngàn năm văn hiến này. Trong các vị thần thờ ở đình có Uy Đức Đại vương là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao trong việc bảo vệ nền an ninh, độc lập của đất nước thế kỷ thứ 12. Dưới triều Lý Anh Tông (1138-1175), Đào Uy Đức được phong chức “Tiền đạo đô chỉ huy sứ tướng quân”. Nhờ có công lao được ban quốc tích họ Lý đổi thành Lý Nghĩa Vinh, tên tuổi Lý Nghĩa Vinh gắn liền với sự kiện lịch sử lớn thời Lý Anh Tông là việc Đàm Hữu Lượng người nhà Tống liên kết với Chiêm Thành, quấy phá, đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam.
Bằng di tích Lịch sử văn hóa Đình Thượng Lâm.
Và theo Đại Việt Sử ký toàn thư: “Kỷ Dậu năm thứ 6 (1145) tháng 8, người yêu thuật nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang Châu Tử Long tự xưng là Triệu Tiên Sinh, nói dối là vâng mệnh đi sứ để dụ nước An Nam, các khe động ở dọc biên giới nhiều người theo..”. Hữu Lượng bàn đen đồ đảng đến cướp Châu Quảng Nguyên, bấy giờ chức kinh lược suý sai Lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư nhờ bắt Hữu Lượng. Vua xuống chiếu cho phò mã Dương Tự Minh và văn thần Nguyễn Nhữ Mai cùng Lý Nghĩa Vinh đi đánh, không bao lâu sau lại sai thái sư Mâu Du Đô đem quân các khe động dọc biên giới về đường bộ tiếp đánh, khi ấy Tự Minh đã lấy được Ải Lũng Đô, Châu Thông Nông bắt được bè đảng của Hữu Lượng là bọn Ba Đại 21 người, duy có Hữu Lượng chạy thoát, trốn vào núi rừng; vua xuống chiếu cho quan quân sứ Lý Nghĩa Vinh trông coi áp giải bọn Bá Đại giao trả về nước Tống. Ung Châu giả làm quan cáo sứ để gọi Hữu Lượng, Hữu Lượng cho là thật, cùng với bọn thủ lĩnh Châu Tư Minh hơn 20 người mang ấn đồng, địa đồ và vật thổ sản quy phục với nhà Tống (Tập 1 trang 279, 280 bản dịch Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 1967). Trong chiến dịch đánh đuổi bọn Đàm Hữu Lượng, phả lục đình Trang Thượng Lâm ghi rõ: “Lý Nghĩa Vinh theo lời tâu của Tô Hiến Thành được vua Lý Anh Tông sai đem quân đi tiên phong tuần phòng ở Đạo Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, chiêu tập binh sĩ ở các đạo, khi dẫn hơn 1000 quân tới Trang Thượng Lâm, thấy địa thế và phong cảnh ở đây vừa hiểm yếu, vừa đẹp đẽ, ông bèn sai binh sĩ cùng nhân dân lập đồn trại để chặn phía sau quân Tống, quân Chiêm Thành, nhân dân Trang Thượng Lâm xin làm gia thần tử Lý Nghĩa Vinh khá đông. Triều đình nhà Lý cho triệu Lý Nghĩa Vinh về Thăng Long để hợp sức cùng các tướng đi đánh Đàm Hữu Lượng, Lý Nghĩa Vinh cùng các tướng cất quân đến đồn quân Tống, quân Chiêm đánh phá dữ dội, quân Tống, quân Chiêm thua chạy, ông đem quân đuổi đánh tới Châu Quảng Nguyên chém tướng giặc, bắt thu vũ khí rất nhiều, Đàm Hữu Lượng chạy trốn vào rừng núi không biết ẩn náu nơi đâu”. Sau khi Lý Nghĩa Vinh Mất, ông đã được các vương triều kế tiếp nhau phong làm Thượng Đẳng Thần, triều đình nhà Lý chuẩn cho Thượng Lâm Trang lập miếu thờ cúng ông cùng Lê Thị Vĩnh Hoa công chúa, nguyên là quý phi của vua Lý Thần Tông (1127-1138), là người báo mộng, phù hộ ông đánh thắng giặc Đàm Hữu Lượng, bà đi du ngoại tới Thượng Lâm Trang thấy phong cảnh hữu tình bèn ở lại đó, sau khi qua đời được người trong trang ấp lập điện thờ, đặt hiệu là Công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa.
Cây đa đình Thượng Lâm gần 800 năm tuổi gắn liền Di tích.
Từ buổi đầu dựng nước Văn Lang, hai tướng Cao Sơn và Quý Minh về Trang Thượng Lâm xây dựng bản doanh tập hợp lực lượng, nhằm ứng phó với giặc bảo vệ đất Phong Châu, trai tráng trong vùng tề tựu theo hai ông đánh giặc đến cùng và lập nên những chiến công hiển hách, được dân thôn tôn làm Thành Hoàng. Đến những năm 40 sau công nguyên, nhân dân Trang Thượng Lâm lại hợp sức đứng dậy dưới cờ tướng soái của Hai Bà Trưng đánh giặc Hán bảo vệ đất Mê Linh. Sự kiện tiêu biểu là năm 42, nhân dân Thượng Lâm theo các nữ tướng Vĩnh Hoa, Chu Tước, Vân Mộng dấy quân lên Châu Trường Sa (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội) tế cờ xung trận đánh giặc Hán. Những dấu tích còn lại lưu truyền: Cửa Vua, Ao Quan, Trại Quan, Nhị Quan, Trũng Đồn, Rừng Huyện, Quán Trúc và các trống đồng Đông Sơn được phát hiện trên đất Thượng Lâm, nay được lưu ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Lịch sử huyện Đảng bộ Mỹ Đức có ghi lại “40 chàng trai làng Hoành và Thượng Lâm đã tập hợp lực lượng dấy cờ khởi nghĩa cùng thời với Đề Thám nhưng không thành..”, rất nhiều chiến tích ghi nhận công lao của quân và dân Thượng Lâm trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vì vậy xứng đáng được đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân xã Thượng Lâm của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng ngày 15/8/2003.
Ngai và tượng cổ ở đình Thượng Lâm.
Xưa đình Thượng Lâm lúc đầu chỉ là một ngôi nhà bằng tre lợp lá, sau được thay thế bằng gạch ngói khép kín. Đình gồm hậu cung, trung cung, đại bái, tả vu, hữu vu và tường bao xung quanh. Vì thời gian và chiến tranh, đình bị hư hỏng nhiều cho đến năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông (1719-1759) đình được xây dựng quy mô (hiện nay các ngài đang tọa lạc trên nền đất của một dòng họ, rất tiếc ngôi đình cổ xưa đã bị phá hủy, khu đất của đình cũ còn chỉ là khu đất trống cạnh phía Tây Trường THCS và sân vận động xã). Đình hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, được thay thế và sửa chữa, trùng tu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đặc biệt đình còn lưu giữ được cuốn thần tích do Tiến sĩ Nguyễn Bảo thời Lê Hồng Đức viết 1472, được Nội Các Bộ Lại thời Vĩnh Hựu ngũ niên chép 1739 cách đây 267 năm (giấy mực cổ, 11 trang, khổ 20x14cm, mỗi trang 8 hàng, khoảng 28 chữ), nội dung ghi: “Lý Anh Tông sai Dương Tự Minh, Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh đem quân lùng quét, Đàm Hữu lượng chạy trốn, bè đảng của Lượng bị bắt gần hết và bị áp giải trả cho Trung Quốc..”, hàng chục sắc phong của các vương triều về Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Uy Đức Đại vương, Vĩnh Hoa Công chúa, Quá Hải Đại vương, bản thần tích có bài thơ vịnh sử: “Sơ khai Nam Việt tự kinh Dương/ Nhất thống sơn hà thập bát Vương/ Thập bát thế truyền thiên cổ tại/ Ức niên hương hoả, ức niên phương” – Dịch nghĩa: “Mở nền Nam Việt tự kinh Dương/ Một mối non sông, mười tám Vương/ Mười tám đời vua ngàn thủa vững/ Triệu năm nhang khói, ngát muôn hương”. Hậu cung đình còn giữ được pho tượng cổ Đức Thánh hàng xã thế kỷ 16, các bộ tượng + ngai, đồ thờ tự, 3 bức cuốn thư, hoành phi cổ: “Nhật chiêu nguyệt âm”, “Vạn cổ lưu phương”, “Sơn hà tụ khí”, 12 đôi cấu đối; căn cứ vào sự tích, công lao của Đào Uy Đức, được chính sử và phả lục thế kỷ 15 ghi chép lại: “Ông là một nhân vật lịch sử có công đức không nhỏ đối với thời đại và dân tộc, di tích về ông bảo lưu được ở đình Thượng Lâm” – Minh chứng di tích có giá trị “Danh thơm muôn thủa” của đất Thượng Lâm này cần được bảo tồn, xứng đáng được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 154/VHQĐ ngày 25/1/1991 công nhận là Di tích Lịch sử -Văn hoá.
Từ 11/2 đến 13/2 âm lịch hàng năm (nay cứ 3 năm một lần), nhân dân 2 xã Thượng Lâm và Đồng Tâm thường phối hợp tổ chức lễ hội vùng liên xã (cùng thờ nhị vị Thánh “Tứ bất tử” Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương) được vua Hùng từng gia phong “Phục quốc thượng tướng quân Đại Vương”/ “Chính bản thần trang hiệu, dương cảnh Thành hoàng, hộ quốc an dân nhất vị Đại Vương”/ “Nhị vị phục quốc, Sơn Tinh tả thánh Đại Vương thần”. Trong những ngày này nhân dân trong toàn xã dù công tác, làm việc ở bất cứ nơi đâu đều có kế hoạch về tham gia lễ hội bằng tất cả tấm lòng thành kính, tham gia các hoạt động của Lễ hội, đồng thời đóng góp công sức, tiền của tu sửa nơi thờ tự và kinh phí tổ chức, tạo mối đoàn kết gắn bó trong cộng đồng và đặc biệt là tình đoàn kết giữa nhân dân 02 xã Thượng Lâm, Đồng Tâm vốn xưa kia là một, là nền tảng để xây dựng lãng xã, quê hương bền vững và phát triển.
Văn hóa thông tin xã Thượng Lâm