GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG THƯỢNG LÂM TRANG

09/03/2023
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG
THƯỢNG LÂM TRANG

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

THƯỢNG LÂM TRANG

                                                     ảnh: Lễ hội làng truyền thống Thượng Lâm Trang

 I. LỊCH SỬ ĐÌNH THƯỢNG LÂM

           1. Lịch sử về Đình.

           Đình làng Thượng Lâm (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội). Xưa thuộc Thượng Lâm Trang, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, thờ các vị thần “Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Uy Đức Đại Vương, Vĩnh Hoa Công chúa và Quá Hải Đại Vương” - Đó là những vị phúc thần anh hùng hào kiệt, dạy dân trồng lúa, chăn tằm, làm thuỷ lợi trong buổi đầu Hùng Vương dựng nước của dân tộc, được các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn phong làm Thượng Đẳng Thần.

           Xưa Thượng Lâm có 3 ngôi Đình, đó là Đình Thượng, Đình Trì và Đình Hàng Xã. Đình Thượng, là ngôi Đình chính, lúc đầu chỉ là một ngôi nhà bằng tre lợp lá, sau được thay thế bằng gạch ngói khép kín. Đình gồm hậu cung, trung cung, đại bái, tả vu, hữu vu và tường bao xung quanh. Vì thời gian và chiến tranh, đình bị hư hỏng nhiều cho đến năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông (1719-1759) đình được xây dựng quy mô. Được thay thế và sửa chữa, trùng tu vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. 

           Do biến cố của thiên nhiên và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; các ngôi đình đã bị xuống cấp, địa phương đã tu bổ một khu trung tâm rước các vị thần tập trung về ngự và được gọi là Đình Mới.

           Đến năm 1992, sau khi đình Thượng Lâm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; Đại bái Đình Thượng Lâm được xây dựng tọa lạc tại khu vực Đình Mới theo kiến trúc xưa, được gọi tên chung là Đình Thượng Lâm; hậu cung Đình được tu sửa, nâng cấp hoàn thành vào tháng 12 năm 2012. Đến nay đình Thượng Lâm gồm: Đại bái, trung cung và hậu cung.

           Đình hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị; đặc biệt đình còn lưu giữ được một sản phẩm vô giá đó là cuốn thần tích do Tiến sĩ Nguyễn Bảo thời Lê Hồng Đức viết 1472, được Nội các Bộ Lại thời Vĩnh Hựu ngũ niên chép 1739 và hàng chục sắc phong của các vương triều về Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Uy Đức Đại vương, Vĩnh Hoa Công chúa, Quá Hải Đại vương. Đình còn giữ được pho tượng cổ Đức Thánh hàng xã thế kỷ 16, các bộ tượng + ngai, đồ thờ tự, 3 bức cuốn thư, hoành phi cổ: “Nhật chiếu nguyệt lâm”, “Vạn cổ lưu phương”, “Sơn hà tụ khí” và 12 đôi cấu đối.

           Căn cứ vào sự tích, công lao của Đào Uy Đức (Lý Nghĩa Vinh) đã được chính sử và phả lục thế kỷ XV ghi chép lại; chúng ta thấy ông là một nhân vật lịch sử, có công đức không nhỏ đối với thời đại và dân tộc, di tích về ông hiện còn bảo lưu được ở  đình Thượng Lâm, đã được Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đưa vào danh sách di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia ngày 25 tháng 01 năm 1991.

           2. Lịch sử các vị thần

           2.1 Ngài Uy Đức Đại Vương:

           Người ở Phù Long Trung - Từ Sơn - Phủ Kinh Bắc Đạo.

           Dưới triều Lý Anh Tông năm 1145 tên Đàm Hữu Lượng người nước Tống (Trung Quốc) đem quân hợp lực với quân Chiêm - Thành vào đánh phá biên giới nước ta.

           Nhà vua hạ chiếu cả nước tuyển cho nhân tài đánh giặc giữ nước.

            Ông Uy Đức văn võ song toàn được nhà vua phong làm tiền đạo đô chỉ huy xứ tướng quân, sau làm “Tả tướng kiên thần” và được ban quốc tịch họ Lý đổi tên là Lý Nghĩa Vinh (Họ vua). Phụng mệnh vua, ông dẫn 1000 quân kị binh đi tiên phong, chỉ một ngày đến núi Sơn Nam thượng, hạ trại trên đất Thượng Lâm trang địa đầu Chương Đức Huyện, Ứng Thiên phủ.

           Tại nơi đây, sơn thuỷ sánh hồi “Long Hổ hoàn bão” vừa lợi thế vừa đẹp cảnh, ông cho tuyển lực thêm trai tráng Thượng Lâm trang vào nghĩa quân.

           Nhà vua uỷ thác cho tướng công Lý Nghĩa Vinh thống lĩnh toàn quyền sinh lực, đem quân lên phía Bắc chống giặc Tống - Chiêm.

           Ông cầm quân mở trận đánh nhanh như vũ bão, sát khí nhất trời. Quân giặc thua to bỏ chạy đến Quảng Nguyên Châu, quân ta chém đầu tướng giặc, toàn thắng. Đất nước Thái Bình thịnh vượng.

           Nhà vua mở hội khánh hạ để ăn mừng, gia phong, thăng cấp, tặng thưởng cho các tướng sỹ.

           Tướng công Uy Đức làm tấu biểu, tâu với nhà vua về giấc mộng thần đêm ngày 28/11 trên đất Thượng Lâm trang. Sở dĩ quân ta đánh nhanh thắng lớn là nhờ “Thần lực âm phù hộ quốc ty dân của ngài Vĩnh Hoa công chúa”.

           Tướng quân Uy Đức hoá nhật vào ngày 12 tháng chạp, được tin nhà vua vô cùng thương tiếc vị đại thần, lập tức cử sứ thần rước sắc chỉ của nhà vua về Kinh Bắc Đạo để phong tặng “Nhị vị Thành Hoàng” và tới cứ Thượng Lâm Trang với thiện ý “Sơn thuỷ dữ đồng - Âm dương hợp đức”.

           2.2. Công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa.

           Sau khi Lý Nghĩa Vinh mất, triều đình nhà Lý chuẩn cho Trang Thượng Lâm lập miếu thờ cúng ông, cùng với Lê Thị Vĩnh Hoa Công chúa là người đã báo mộng phù trợ ông đánh giặc Đàm Hữu Lượng, bà nguyên là quý phi của vua Lý Thần Tông, đi du ngoạn tới Thượng Lâm thấy phong cảnh hữu tình bèn ở lại đó, sau khi qua đời được người trong trang ấp lập điện thờ, đặt duệ hiệu là Công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa. Từ đó nhân dân Thượng Lâm được thờ ngài Uy Đức Đại Vương cùng công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa tại Đình Thượng xã Thượng Lâm (Qua các Triều đại có sắc phong).

           2.3. Ngài Cao Sơn Đại Vương:

           Người ở đại Thanh Hoa dưới triều vua Hùng Duệ Vương thứ 18.

            Thời gian này ở bộ tộc Ai Lao có người họ Thục tên Bản, đem hàng trăm quân cùng với voi ngựa sang xâm chiếm nước ta. Vua Hùng Duệ Vương họp bàn mưu kế chống giặc. Sơn thánh Tản Viên tâu với vua: “Quân giặc tuy mạnh, nhưng lòng trời đã giáng thế, hai vị Cao Sơn và Quý Minh tài giỏi, thì quân giặc nhất định phải thua”. Nhà vua phong hai vị làm Tả hữu tướng quân.

            Phụng mệnh vua, hai tướng lĩnh đem 50 ngàn quân đi tiên phong. Đoàn quân đi đến Thượng Lâm Trang, Chương Đức huyện, Ứng Thiên Phủ, Thăng Long thành, thiết lập đồn trại, tuyển lựa gần 50 trai tráng Thượng Lâm Trang vào nghĩa quân. Quân ta xung trận như sóng biển, thác rừng, hai Ngài khai chiến như rồng bay ánh chớp, chẳng mấy lúc thế trận giặc thục bị phá tan, tướng giặc bị chém đầu, quân ta bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí. Quân ta đại thắng, nhà vua mở tiệc khánh hạ khao quân thưởng tướng.

            Đất nước thanh bình thịnh vượng, nhà vua mở hội khánh hạ để khao quân thưởng tướng. Phong cho hai vị là: “Phục Quốc Thượng hương quân Đại Vương”.

             Hai vị tâu với nhà vua về giấc mộng thần đêm ngày 09/12 “Nhờ sức âm phù của Đức Bản Thổ Thành Hoàng tại Thượng Lâm trang xứ, giúp sức binh mã diệt giặc”. Nhà vua chuẩn uy sắc phong “ Chính bản thần trang hiệu Đương Cảnh Thành Hoàng hộ Quốc, dân an”. Từ đó nhân dân Thượng Lâm Trang lập miếu thờ điện ngài Đức Bản Thổ tại Đình làng Trì.

           Sau khi hai vị Đại Vương qua đời, nhà vua vô cùng thương tiếc gia phong: “Bạch Hổ Cao Sơn Thượng đẳng thần, Long Linh quý minh thượng đẳng thần”, “Nhị Vị phục quốc Sơn Tinh Tả Thánh Đại Vương Trần”. Truyền cho Thượng Lâm được đón Mỹ Tự về, dân lập Miếu thờ ngài Cao Sơn tại đình làng xã, thờ ngài Quý Minh tại Đình làng Hoành (Nay ở xã Đồng Tâm).

          

           Trong Ngọc phả có bài thơ của Đại học sỹ Nguyễn Bảo (năm 1472) viết:

Sơ khai Nam Việt tự Kinh Dương

Nhất thống sơn hà thập bát vương

Thập bát thế truyền thiên cổ đại

Ức niên hương hoả ức niên phương.

           Tạm dịch:

Mở đầu nước Việt tự Hùng Vương

Một dải non sông nước thịnh cường

Mười tám đời vua truyền nối nghiệp

Hùng triều muôn thuở vạn niên hương.

 

           Ngày 15/6/1986: Ban sưu tầm biên soạn lịch sử Đảng bộ xã Thượng Lâm mời cụ Nguyễn Đức Hoạt phụng dịch cuốn thần phả từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ.

           Ông: Lê Đình Huấn cung cấp năm 2000, ngày 06 tháng 02 năm Canh Thìn.

           Bản thần phả bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ viết tay đã được ông Trịnh Minh Toàn sao y bản chính được lưu giữ tại đình Thượng Lâm.

          

           3. Các vị thần được thờ tại Đình Thượng Lâm.

  1. Thượng đẳng thần Bạch hổ Cao Sơn.

3.2 Đào Uy Đức Đại vương.

           3.3 Công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa.

3.4 Đương cảnh Thành Hoàng Bản thổ (Âm thần).

           4. Các ngày Đản nhật, Húy kỵ (Theo âm lịch hàng năm):

           Ngày 28/11: Ngày hóa vị thần Cao Sơn, Quý Minh; Tưởng niệm Công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa (Xuất hiện trong giấc mơ của vị thần Uy Đức, giúp vị thần đánh tan giặc Tống, Xiêm).

                  

           Ngày 09/12: Tưởng niệm vị âm thần Đương Cảnh Thành Hoàng bản thổ (Xuất hiện trong giấc mơ của vị thần Cao Sơn, Quý Minh giúp 02 vị thần đánh tan giặc Thục).

           Ngày 12/12: Ngày hóa vị thần Đào Uy Đức.

           Ngày 12/02: Ngày sinh vị thần Cao Sơn, Quý Minh (Năm Nhâm Dần), ngày sinh vị thần Đào Uy Đức (Năm Nhâm Thân).

           Ghi chú: (Theo Phả lục hai anh em vị thần Cao Sơn và Quý Minh cùng sinh và cùng hóa một ngày).

          

           II. LỊCH SỬ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG THƯỢNG LÂM TRANG

 

                                                       ảnh: Lễ hội làng truyền thống Thượng Lâm Trang

           Thời phong kiến được tổ chức theo các ngày kỷ niệm, ngày sinh, ngày mất của các vị thần được gắn liền với lễ hội truyền thống và đây cũng là ngày đại kỳ phước của nhân dân xã Thượng Lâm mà trong đó là quan hệ giữa 3 làng: Thượng - Trì - Hoành “Nhất xã tam thôn”.

           Sau cách mạng Tháng Tám, do chiến tranh kéo dài, lễ hội tạm ngừng.

           Đến năm 1991 Đình Thượng Lâm được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, năm 1993 lễ hội truyền thống xã Thượng Lâm được khôi phục đồng tổ chức với xã Đồng Tâm (vì trước năm 1956 xã Thượng Lâm và Đồng Tâm là một xã).  

           Từ năm 1993 đến năm 2010, Thượng Lâm đã tổ chức Lễ hội theo định kỳ 05 năm một lần. Chính quyền xã chỉ đạo ban Quản lý di tích Đình Thượng Lâm mua sắm trang phục, dụng cụ, xây dựng và duy trì các ban tế, vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức tu sửa đình, đồ thờ... nhằm tạo điều kiện để nhân dân phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quyền tự do tín ngưỡng, từ đó khắc ghi truyền thống cha ông và những tập tục của Lễ hội.

           Từ năm 2010, hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm họp thống nhất, cứ 3 năm mỗi xã tổ chức chính hội một lần, lấy tên là “Lễ hội truyền thống Thượng Lâm Trang”, Lễ hội diễn ra trong vòng 03 ngày: từ ngày 11 đến hết ngày 13 tháng 02 (Âm lịch).

           Trước Cách mạng tháng 8 lễ hội do Thủ chỉ và Trùm làng các Giáp tổ chức. Hiện nay Lễ hội được tổ chức tại 02 xã trên cơ sở những thủ tục của Đại lễ. UBND hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm họp chỉ đạo, tổ chức, phân công công chức phụ trách Văn hóa Thông tin xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức Lễ hội; hội Người cao tuổi phụ trách phần lễ, các đoàn thể, các thôn được phân công rước kiệu, làm kỳ đài và các công việc khác, cùng nhân dân tham gia các công việc của Lễ hội.

           Như vậy trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào Chính quyền cấp xã vẫn giữ vai trò chỉ đạo chung. Trong những ngày này nhân dân trong toàn xã dù công tác, làm việc ở bất cứ nơi đâu đều có kế hoạch về tham gia lễ hội bằng tất cả tấm lòng thành kính, tham gia các hoạt động của Lễ hội, đồng thời đóng góp công sức, tiền của tu sửa nơi thờ tự và kinh phí tổ chức, tạo mối đoàn kết gắn bó giữa mọi người dân trong làng, xã và đặc biệt là tình đoàn kết giữa nhân dân 02 xã Thượng Lâm, Đồng Tâm vốn xưa kia là một.

           Việc tổ chức lễ hội là giúp các thế hệ cháu con nhớ về nguồn cội. Cùng ngưỡng mộ, trân trọng, thành kính các bậc thánh nhân đã có công dựng nước và giữ nước, để cùng nhau vươn tới đỉnh cao của lòng nhân ái, cùng nhau đoàn kết xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh và kiên cường cách mạng./.

           

                           BAN TỔ CHỨC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG XÃ THƯỢNG LÂM NĂM 2023

THÔNG BÁO

Video